Tuesday, March 17, 2009

PHẠM KIM THANH

Chủ Nhật, 27/04/2008, 08:24
Trần Huy Liệu và cuộc cải cách ruộng đất


TP - Cuối năm 1939, phe phát xít thắng thế, thực dân Pháp thẳng tay khủng bố khốc liệt các chiến sĩ cộng sản. Trần Huy Liệu là một trong những cây bút gạo cội của báo Tin Tức, Đời nay, Le Travail.
Ba người đứng thứ tư, năm, sáu từ trái sang đều là VNQDĐ Nguyễn Thái Học, Nam Xương (tác giả kịch “Ông Tây An Nam”, Trần Huy Liệu1. Chúng ra lệnh đóng cửa các tờ báo đang phát hành công khai, bắt ông cùng các ông Xuân Thủy, Trần Đình Long, Vũ Đình Huỳnh...
Tháng 1 năm 1940, chúng bí mật chuyển tù chính trị từ Hỏa Lò đầy lên Sơn La. Đường đi đày gian nan lắm nỗi. Ông và ông Xuân Thủy chung nhau dây xích, vùa đi bộ vừa nói chuyện thơ ca cho quên nỗi mệt nhọc, đói khát…
Trần Huy Liệu là thế. Trong cá tính ông, chất quân tử và chất lãng mạn hòa quyện trong máu thịt: “Trong lúc thân mình bị dồn ép, bị giày vò thì tâm hồn, tư tưởng mình vẫn chắp cánh cao bay tìm đến những nơi tươi đẹp nhất, âu đó cũng là một cách sống” (Hồi ký Trần Huy Liệu).
Khi ấy, 32 tuổi, ông đã trưởng thành, đã “chín” trong trường học chốn lao tù. Sáu năm sau, vào ngục tù đế quốc lần thứ hai ở Sơn La, ông được các đồng chí tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Điềm đạm, cởi mở, chân tình, chịu khó học thêm tiếng Pháp, viết lý luận về chủ nghĩa xã hội…
Ông cùng Tô Hiệu là linh hồn của chi bộ và Ủy ban tranh đấu để tổ chức các cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, giữ vững khí tiết, tranh thủ học tập chủ nghĩa Mác Lê nin và văn hóa.
Cuộc tuyệt thực dưới hầm Sơn La kéo dài từ 13/5 đến 24/5/1941 là cuộc đấu tranh dữ dội nhất, khốc liệt nhất. Tên Cút-Xô khét tiếng gian ác đẩy 156 người xuống hầm qua 21 bậc gạch với diện tích chỉ nhốt được 11 người và có một lỗ thông hơi duy nhất. Không cơm ăn, không nước uống, không đủ khí thở, ruột gan cào cấu rồi lịm đi trên nước sặc sụa hôi thối, nhưng không một ai rời bỏ đội ngũ.
Là người phụ trách Ủy ban tranh đấu, ông khéo léo mượn truyện Hán Sở tranh hùng với hình ảnh Hàn Tín trong “Bối thủy trận” để động viên anh em giữ vững ý chí chiến đấu, đồng thời có quyết định sáng suốt ngừng tuyệt thực để gìn giữ lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài trong gông xiềng Sơn La.
Chính ông, trong lao tù tàn khốc của địch đã tự trau dồi, rèn luyện khí tiết mà những bài thơ của ông còn lưu giữ được cho chúng ta thấy một tâm hồn, một cốt cách của nhà thơ Trần Huy Liệu.
Đến nay, mỗi khi trở lại thăm di tích nhà tù Sơn La, mọi người vẫn nhớ bài thơ “Qua thăm gốc ổi” đầy bi thiết viếng các đồng chí của ông: “Thịt xương đã gửi cho rừng núi/Hận vẫn còn mang với tháng ngày”.
Nhà văn Hoàng Công Khanh, người được sống cùng ông trong những năm ở ma thiêng nước độc Sơn La kể rằng: ”Những lúc tâm tình bên nhau, anh ấy bảo tôi: “Ở đời rất hiếm những kẻ trượng phu”. Khí phách và thẳng thắn, chân thực với mình và với đời, anh Trần Huy Liệu cũng minh bạch và đường hoàng như vậy”.
2. Đọc di cảo của ông về cải cách ruộng đất (CCRĐ), tôi rất cảm phục ông. Những ghi chép trong chuyến đi thực tế ở Thái Nguyên khi ông làm Trưởng Ban Văn - Sử - Địa; nhãn quan trung thực, khách quan của người làm công tác nghiên cứu lịch sử; dũng khí của một cốt cách tùng bách - tất cả đã thôi thúc, giục giã ông viết những lời tâm huyết gửi Đoàn ủy CCRĐ đầu năm 1954, nêu lên ý kiến cho rằng: khác với Trung Quốc, ở Việt nam, đại đa số là trung tiểu địa chủ, và một số địa chủ thân sĩ đều có tinh thần yêu nước; số đại địa chủ làm tay sai cho đế quốc chiếm tỉ lệ không cao nên Đảng phải có sách lược triệt để phân hóa, tránh đấu tố tràn lan.
Sau đó, ông viết bài “Xét lại hồ sơ của giai cấp địa chủ phong kiến” nhưng đến tháng 2/1957, bài mới đăng trên tập san Văn- Sử - Địa với bút danh Hải Khách.
Những kiến giải khoa học về đặc điểm của giai cấp địa chủ phong kiến ở một nước thuộc địa không phải đã được chấp nhận ngay thời điểm đó. Ông kiên định giữ vững lập trường, ý thức trách nhiệm của người cách mạng và tâm sự với đồng nghiệp trẻ: ”Làm một người cách mạng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, thì mình thấy Đảng làm gì sai phải nói”.
Biết mình bị “trên cho gọi” để “uốn nắn” nhận thức “mơ hồ giai cấp”, nhưng ông vẫn như người lữ hành không biết mỏi tới cái đích của sự thật. Sang những năm 60, ông lại tiếp tục nói lên tâm tư của nông dân chưa hẳn đã hoàn toàn tự nguyện vào HTX khi ta trống giong cờ mở đẩy HTX nhanh chóng phát triển từ bậc thấp lên bậc cao.
Cái sự phải nói ấy chính là tiết tháo của người chính trực. Trái tim nhân hậu, yêu thương của ông đã đem lại ánh sáng cuộc sống bình yên cho một số người bị oan sai trong CCRĐ mà đến hôm nay, mọi người vẫn nhắc đến ông với tất cả sự trân trọng.
Trần Huy Liệu trong hồ sơ nhà tù thực dân3. Trong những tháng ngày không còn bình yên ấy, ông đã đem tất cả lòng say mê, khí chất cương trực vào nghiệp sử. Nổi tiếng trong nghiệp báo từ thập niên 20 - 40 với các tờ Đông Pháp thời báo (1925-1926), Hòn cau tuần báo (1931-1934), Tiếng sóng bể (1931-1934), Tin tức(1938), Đời nay (1938-1939), Tiếng suối reo (1941-1942), Dòng sông Công (1943-1944), Đường nghĩa (1944-1945) do ông làm chủ bút, ông cũng là người nổi tiếng trong nghiệp sử, sự nghiệp do chính ông chọn từ khi ở chiến khu Việt Bắc, khi đã vào tuổi 52.


Cũng không có gì lạ lẫm mới mẻ quá, bởi khi bị tù ở Hòn Cau ông đã gom góp tư liệu, bắt tay viết “Sơ thảo khởi nghĩa Thái Nguyên” và “Sơ thảo khởi nghĩa Yên Thế”.
Cuốn “Sơ thảo lịch sử cận đại Việt Nam”, ông viết xong trước đợt chỉnh huấn 1952. Vậy là cái tiền duyên đã gắn ông vào nghiệp sử.


Còn tôi, thế hệ hậu sinh may mắn được làm học trò Khoa Sử Đại học tổng hợp ngay sau khi đất nước thống nhất và đọc những tác phẩm “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” (2 tập) ông là tác giả; Lịch sử cách mạng Việt Nam (12 tập), ông viết chung với các ông Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo xuất bản trong ba năm1956-1957-1958; “Lịch sử Thủ đô Hà Nội” do ông chủ biên xuất bản năm 1960; Nguyễn Trãi xuất bản 1969; rồi những công trình nghiên cứu của ông về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, về phong trào Cần vương, Đông kinh nghĩa thục… tôi cảm nhận rõ ràng lối hành văn khúc chiết, trong sáng, nhuần nhị, đầy sức hấp dẫn thuyết phục, không hề khô khan bởi những dẫn chứng sử liệu hay những luận điểm khoa học.


Ông vung bút lực hào sảng nhất với niềm say mê và sức làm việc, sáng tạo phi thường. Mạch nguồn của tinh thần dân tộc và yêu nước không bao giờ vơi cạn trong lòng ông được thỏa sức tuôn chảy trong những trang sách ông đã viết.
Cho đến ngày nay những luận điểm cơ bản trong các công trình nghiên cứu đó của ông vẫn đúng đắn và được hậu thế bổ sung sâu thêm trong tiến trình phát triển của nền sử học.
290 công trình nghiên cứu và các bản hồi ký là một di sản đồ sộ của nhà sử học Trần Huy Liệu, người đã có những cống hiến xuất sắc cho nền sử học đất nước, trong đó “Lịch sử 80 năm chống Pháp” đã đem lại vinh quang cho ông: tác phẩm được đưa vào làm sách giáo khoa trong các trường Đại học và sau đó ông được nhận huy chương Hum Bôn; bằng Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm khoa học cộng hòa dân chủ Đức.


Ông Văn Tạo, cộng sự đắc lực của ông lúc đó còn nhớ: “Hồn cốt của sách này chính là cuốn “Sơ thảo lịch sử cận đại Việt Nam” 500 trang in bằng giấy rơm trên Việt Bắc (loại giấy rất xấu, không phải như giấy dó). Năm 2000, tác phẩm được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh”.
Nhưng những ngày vui tươi tràn đầy hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi. Công trình cho bộ thông sử “Lịch sử Việt Nam”, ông đã dồn biết bao công sức, trí tuệ lên đề cương. Vậy mà đề cương đã không được thông qua.


Thời gian sau, vị trí chủ biên được giao cho người khác. Đó quả là “sét đánh ngang tai” đối với ông và tập thể tác giả. Cuộc chiến tranh khốc liệt của đế quốc Mỹ hầu như đã cuốn tất cả vào dòng sông lớn - bảo vệ tự do độc lập Tổ quốc.
Ông gác nỗi đau, lao mình vào công việc, phụng sự cách mạng và nhân dân, nhưng đối diện với chính mình, trái tim quả cảm, nhân hậu của ông như đã quá mệt mỏi với bao nỗi niềm ưu tư chồng chất bấy lâu.Và nó đã đột ngột ngừng đập năm 1969, khi ông tròn 70 tuổi.

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=120400&ChannelID=7

Phạm Kim Thanh

No comments: