Wednesday, March 18, 2009

TUỆ CHƯƠNG

=



TUỆ CHƯƠNG
Welcome to VN.NET18/03/09
Ngày Tết được tha
Contributed by: phuochung Views: 2.039Tuệ ChươngTrẻ Tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi!
(Cung Oán Ngâm Khúc)


Mấy hôm nay trong trại anh em tù nhân bàn tán xôn xao vì sắp tới tết ta Tết đến, hoặc "Ba ngày lễ lớn", thế nào cũng có một số người được "tha ra khỏi trại cải tạo". ...
... Thời gian cải tạo, nhìn chung toàn bộ số người trong trại, ai ai cũng tròm trèm 5 năm rồi. Có lẽ đó cũng là một cái mốc án tù nào đấy để hy vọng được về.



Người ta chỉ đoán vậy thôi chứ tù ở đây chẳng ai có án, chỉ là "tập trung cải tạo", "lao động tốt, học tập tốt" thì được thạ "Cách mạng" nói như thế là cách nói lửng lơ, chẳng ai biết thế nào là tốt; cứ không trốn trại, "an tâm học tập cải tạo", còn lao động tốt là cuốc đất làm rẫy hết mình, không "chây lười lao động", còn ngày về thì có "cách mạng lo". Toàn là những mỹ từ, hay nói cho đúng hơn là bánh vẽ, cứ thế mà chờ. Hễ tới các dịp lễ tết, "ba ngày nễ nớn" - tiếng thường nhại theo "cán bộ" Bắc kỳ - người ta lại hy vọng được thạ Cấp bậc càng nhỏ, trung sĩ, thượng sĩ, thiếu úy v.v... thì hy vọng nhiều hơn trung úy, đại úy.
Nghĩ tới ngày về, Tăng đâm lọ Về đâu hè?!



Tăng vào "rờ sẹc" (recherche) hồi 18 tuổi, hồi đó là làm mật thám cho Tây, hay còn gọi là "Công an Liên Bang" mà "xếp xòng" là cò Xuân. Trình diện ông ta xong, nhận cây súng, Tăng lận vào lưng quần, phủ cái áo "sơ mi" cụt tay ra ngoài, cố làm sao cho nó hơi cộm một chút để "giựt le" chơi. Tăng cũng bắt chước "đàn anh", vào quán vịt quay ở Chợ Cũ, cố vói tay chỉ con vịt treo cao để lòi cây súng dắt bên hông, cho chú Ba thấy, chú sợ.
Tăng nhởn nhơ sống, cưới vợ, bồ bịch, ly dị, rồi lại cưới, rồi ly dị, khi Tăng đã 40 tuổi, cưới vợ lần thứ ba, cô dâu chỉ mới 20. Đúng là "Khi anh hai mươi, em mới sinh ra đời..."" Từ "rờ sẹc", sau gọi là Công An, rồi Cảnh Sát Công An... Bao nhiêu lần đổi tên đổi họ như thế, cuối cùng, trước khi CS chiếm miền Nam, Tăng mang "loon" thiếu úy, nhân viên Phòng Tư Pháp một quận Cảnh Sát ở Saigon và sau ngày 30 tháng tư, trình diện, đóng tiền đi ở tù theo lệnh của "cách mạng".



Khi Tăng vào trại cải tạo rồi, cửa nhà tan nát. Vợ Tăng lấy một "ông cán bộ", vai vế lắm, con gái Tăng cũng đi lấy chồng xa. Hai đứa con trai của hai bà vợ trước, nghe người ta nói là đã vượt biên cùng gia đình -tức là mẹ, bố ghẻ và con cái của họ. Nói là nghe nói, bởi vì từ khi ly dị với các bà ấy, Tăng chẳng bao giờ thăm hỏi mẹ con họ, chẳng bao giờ gởi cho chút tiền bạc cấp dưỡng...
Đời Tăng, kể từ khi lớn lên, đi làm, chẳng bao giờ khổ. Vật giá Saigon hồi xưa rẻ lắm, đồng lương của Tăng dư xài. Khi vật giá lên, lương cũng lên. Khi mọi thứ leo thang quá, thì nhờ lâu năm, "sống lâu ra lão làng", nhờ kinh nghiệm trong ngành, Tăng qua làm phòng Tư Pháp, làm nhân viên thôi, nhưng nhân viên mới thật là khỏe. 'Đương đơn", ở đất Saigon này, từ hồi dân di cư vào đông, kinh tế phát triển nhiều, thì bao giờ cũng rất quen việc, trên dưới đâu đó ơn nghĩa đàng hoàng.
Đùng một cái, Tăng đi ở tù, mọi sự sụp đổ hết. Bây giờ Tăng mới thấm thía câu nói của ông Thiệu: "Đất nước mất, mất tất cả". Ngày trước, nghe câu đó, Tăng cho là chỉ hù thiên hạ. Mấy chả nói chính trị, hơi đâu mà nghe, cái việc "mất đất nước", dễ không, làm sao có được!



Dĩ nhiên Tăng đau khổ. Hai năm đầu trong trại cải tạo, Tăng ở chung với mấy ông "Đại úy Tuyên úy". Từ lâu, Tăng chẳng gần gũi với tôn giáo nên chẳng ưa gì mấy ông tuyên úy. Tăng cho rằng "mấy chả đi tu còn ưa đeo loon". Vậy thôi. Chùa, nhà thờ, Tăng có lai vãng, nhất là thời gian mấy năm "mấy ông tu hành làm chính trị" cũng chỉ vì công tác thượng cấp giao phó. Điều tra mấy ông tu hành này khi họ bị bắt, cũng như điều tra đám sinh viên biểu tình, Tăng thấy phiền, chẳng có "xơ múi" gì mà mấy chả thì ăn nói ngang phè, chướng tai. Thường thì Tăng tránh né, để thượng cấp giao cho người khác.


Bây giờ, sống chung với mấy ông tuyên úy, nghe ông nói chuyện đạo, Tăng cũng thấy hay hay, nhất là sau khi "cửa nhà tan nát". Dù Tăng chẳng hiểu sâu sắc gì về kinh kệ, Tăng cũng thấm nhuần đôi chút "sắc sắc không không". Tăng thấy đời Tăng thôi thế cũng đủ rồi, chẳng mong gì thêm. Thật ra, Tăng hiểu có muốn thêm cũng chẳng được. Thời của mình, thế là qua rồi, bây giờ là thời của người tạ Người ta từ ngoài kia vô đây, cầm súng mấy chục năm rồi, tốn hao biết bao nhiêu xương máu, nay mới có được chừng ấy, sức mấy mà người ta chịu nhả miếng ăn ra mà hòng tranh giành với họ. CS, quanh thế giới, từ ngày họ có mặt đến giờ, chỉ có tới mà không có lùi. Chịu thua đi cho xong. Với lại, kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, Tăng thấy rõ, ai có quyền là người đó hơn.



Quyền là cây súng trong tay. Ngày hôm trước, chưa vô "rờ sẹc", chẳng ai coi Tăng là cái gì. Vậy mà ngày hôm sau, nhận việc rồi, cây súng dắt vào lưng quần, thấy chỗ thắt lưng của Tăng cồm cộm, người ta đâm ra sợ Tăng. Đời là vậy đó.
Tự do, Dân chủ là cái quái quỉ gì đâu, giả hiệu cả!
Với lại cuộc sống trong Nam dễ dãi quá, cuộc sống Saigon cũng dễ dãi quá, đời Tăng cũng không có gì sóng gió, tới tháng thì lãnh lương, tới năm thì người ta "đè cổ ra" mà móc "loon", Tăng chẳng chạy chọt, xin xỏ.


Thậm chí việc vợ con, ưng thì lấy, chán vợ thì có bồ, vợ rầy rà thì ly dị cho khỏe. Cuộc đời cứ thế mà trôi đi, chẳng có gì vướng bận cả.. .
Bây giờ vào tù, Tăng mới thấy cái trăm ngàn khó khăn hiện ra, nhưng mà đời, như ông tuyên úy nói "sắc sắc không không". Cái có rồi sẽ mất, cái mất rồi sẽ có. Tăng, như mấy ông tuyên úy nhận xét khi Tăng tâm sự chuyện nhà với họ, đã có một đời nhởn nhơ sung sướng trong khi đất nước chịu cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn 30 năm, bao nhiêu người chết chóc khốn khổ, nay Tăng có chết, cũng là thường tình. Không trả trước thì trả sau. Vay trả trả vay. Mấy ông tu hành nói vậy mà hay.



Mới tháng trước đây, Trần Hứa Sơ, chung đội với Tăng, sáng sớm xuống nhà bếp xin nước sôi, buồn tình đâm đầu vào lò củi đang cháy rần rần, may người ta thấy kịp, kéo ra, đưa xuống trạm xá, cấp cứu, thành ra chỉ cháy mấy mảng tóc, chỗ cháy thành sẹo, không có tóc, trông như con chó vá. Ngu thiệt! Vợ bỏ đi vượt biên với bồ - bồ cũng là bạn thân của Sơ - thì cho chúng nó đi một duộc với nhau -quân lừa thầy phản bạn- quân trốn chúa lộn chồng- có gì mà tiếc để đến nổi phải đâm đầu vào lửa, mang cái đầu chó vá, ngu thiệt là ngu! Tăng rủa thầm. Năm ngoái, cũng thằng Lịch, nghe tín vợ bỏ, đang làm đội mộc, lấy đinh đóng vào đầu. Anh em người ta khiêng ngay vào trạm xá cứu chữa, cũng tai qua nạn khỏi.


Ngoài kia, ngoài hàng rào trại tù, là đời thường, là Tự do, Hạnh phúc... Người ta nghĩ thế. Và một điều gì đó xảy ra, bất như ý, có nghĩa là làm cho người ta cho rằng hạnh phúc đó không còn nữa, tự do đó không còn nữa, thì người ta đâm ra tuyệt vọng, rồi tự tử.
Tăng thì chẳng có ý niệm gì xa xôi hơn thế, nhưng Tăng cho rằng, ngoài kia, ngoài hàng rào trại tù kia, Tăng chẳng có gì cả. Hạnh phúc đã không mà tự do cũng không. Hạnh phúc, như Tăng thấy trong đời y, căn bản là tiền, cũng như "Mác" nói, kinh tế là hạ tầng cơ sở vậy thôi. Còn tự do, không có tiền thì chỉ có tự tử hay tự do làm nô lệ cho người tạ Tiền, Tăng nghĩ là y đã hết thời.


Hết cây súng trong tay là hết tiền. Ngoài cái nghề y đã làm mấy chục năm, từ hồi còn trẻ, tháng tháng lãnh lương, lâu lâu có tư lợi, Tăng chẳng quen với bất cứ một nghề nào khác. Huống chi Tăng đã già, sức khỏe không còn. Thằng Chiêu, thằng Ngọ, thằng Nẫm... bao nhiêu thằng ở chung trại với Tăng, được tha hồi năm ngoái, năm kia, chỉ làm cho "đội ngũ dân biểu" (1) càng thêm đông mà thôi, chẳng anh nào làm nghề gì khác, có muốn làm cũng không làm được.
Gia đình tan nát, vợ không còn, con không còn, cha mẹ không còn, không còn ai hết, hạnh phúc, tự do cũng không còn.


Vậy thì Tăng về làm gì?! Nghĩ tới ngày về, Tăng băn khoăn, lo lắng. Về? Về đâu? Về với ai? Ở nhà ai? Nếu một ngày kia, "cách mạng khoan hồng", cho Tăng thoát khỏi "tù trong" ra "tù ngoài" thì Tăng nhận cái lệnh tha để làm gì. Ra "tù ngoài", có nghĩa là Tăng phải tự lo lấy cái ăn, cái mặc mà Tăng thì đã quen với cuộc sống chính phủ lo cho Tăng hết rồi. Chưa bao giờ Tăng tính toán, lời lỗ mà thành ra tiền. Tăng không quen buôn bán bao giờ. Tăng chỉ quen tháng tháng lãnh lương. Bây giờ, nếu ra "tù ngoài" mọi thứ phải tự lo cho mình, Tăng thấy nhiều khó khăn.



Hơn thế nữa, Tăng không nhà không cửa không vợ không con, không bà con bạn bè, nhất là bạn bè, Tăng thấy cô đơn. Dù sao ở đây cũng có bạn, người thân kẻ sơ, chuyện trò với nhau. Về Saigon, đông mấy triệu dân, cả tháng, chưa chắc gặp được ai quen để chuyện trò. Về? Về đâu? Nhà đâu? Ở với ai? Không lý Tăng chui sống ở gầm cầu. Ở đó, toàn là ăn mày và đám tội phạm, những thứ trước kia mỗi khi Tăng gọi lên điều tra thường run rẩy, sợ hãi trước mặt Tăng. Tăng về ở chung với họ sao?! Vậy thì về làm gì?! Tăng lo, nhưng để bụng, không nói với ai. Nếu "cách mạng" cho về mà không về, thế nào tụi nó cũng cười cho thúi đầu. Thế rồi Tăng có lệnh tha thiệt.


Chiều hôm qua, đi lao động về, anh em đã xôn xao lắm. Mấy người quen với "cán bộ", được họ tiết lộ cho biết tên vài người đã có danh sách về. Tăng lại lo hơn. Chẳng ai để ý đến Tăng. Tăng không phải là "đối tượng" để anh em theo dõi kỳ này có tên Tăng hay không.
Tăng cũng chẳng nhờ cậy ai hỏi thăm giùm có tên hay không. Tăng sợ chuyện đó xảy ra cho Tăng thì Tăng còn hỏi thăm hỏi lom làm gì. Sáng nay, kẻng đánh tập trung ngoài sân trại để gọi đi lao động như thường lệ thì "thượng sĩ Thắng", "cán bộ giáo dục" cầm xấp giấy vào, xăm xăm đi thẳng vào chỗ phía trước mặt các đội tập trung. Thấy thế, anh em ồ lên một tiếng, biết là có lệnh tha, rồi chuyện vãn, gọi nhau ơi ới, xôn xao. Tăng ngồi im.



Khi "cán bộ" Thắng gọi tới tên Tăng, y uể oải đứng lên, buồn rầu quay gót vào "láng", treo "gô" (2) vào cột giường, lên chỗ nằm, nằm im, bất động.
Sau khi các đội đi hết rồi, "cán bộ" Lâm vào từng "láng" gọi các người đưọc tha tập trung ngoài sân để được đưa lên văn phòng "ban" lập thủ tục ra về. Tăng vẫn nằm im.
Thấy Tăng, "cán bộ" Lâm gọi:
- "Anh Tăng, sao còn "lằm" đó, thay áo quần nhanh "nên" ra "nàm" việc với "ban"."
Tăng ngập ngừng:
- "Thưa... thưa cán bộ, tui... tui không muốn về, cán bộ cho tui ở lại đây."
"Cán bộ" Lâm chưng hững:
"Anh 'lói' gì kỳ thế. "Cách mạng" khoan hồng, cho anh về, sum họp với gia đình. Thế "nà" xung xướng "nắm", tại sao anh không về?!""


Thưa "cán bộ", tui còn ai nữa mà về. Gia đình tui chẳng còn ai nữa hết. Vợ tui đi lấy chồng, con tui đi lấy chồng, chẳng còn ai, chẳng còn nhà cửa chi hết, biết về đâu mà về." -Tăng cố gắng nói một hơi cho hết ý muốn nói.
Cán bộ" Lâm xẳng giọng:
Đó "nà" chuyện của anh. Bây giờ "cách mạng khoan hồng" cho anh về "nà" anh phải về. Anh không thể cãi "nệnh" cách mạng được."
Tui không cãi lệnh. Nhưng mà "cách mạng khoan hồng" cho tui về thì "cách mạng" cũng nên xét hoàn cảnh tui mà "khoan hồng" cho tui ở lại. Đó là tình thiệt. Tui còn ai đâu mà về." Thôi, không "lói" "nôi" thôi. Tôi bận việc, đưa mấy anh kia "nên" "ban". Anh không về sẽ có biện pháp." -"Cán bộ" Lâm giận dữ.


Biện pháp gì?" -Tăng cũng nổi sùng- "Ở tù thì tui cũng đang ở tù đây rồi, chỉ chờ có đem bắn mà thôi. Bắn tui, càng khỏe, tui ưng chết quách cho rồi, cho xong nợ đời. Ở tù đây cũng chỉ là "tha tội chết, bắt tội sống thôi"." (3)
Nghe Tăng nói liều, mấy ông già quét phòng cũng phì cười!
Mười phút sau, hai ba "cán bộ" cùng vào, đi ngay lại chỗ Tăng. Tăng ngồi dậy. "Cán bộ" Thắng vẻ quan trọng:
- "Thế "lào"? "Cách mạng khoan hồng" cho anh, anh từ chối hả? Anh không tuân "nệnh" "cách mạng" hả?"
-"Thưa "cán bộ" -Tăng từ tốn nói- "Tui không từ chối, tui không chống lệnh. Chẳng qua hoàn cảnh gia đình tui, sau khi tui đi cải tạo, đổi khác rồi, vợ tui lấy chồng rồi, con tui lấy chồng rồi, nhà cửa không còn, tui biết về đâu? Dzậy nên tui xin ở lại đây để... "phục vụ cách mạng".
"Cán bộ" Thắng xẳng giọng:



- "Chẳng ai cần anh. Các anh "nà" người phản "cách mạng", ở tù, "lay" được tha, thế "nà" khoan hồng "nắm" rồi đấy, không thì có mà "dũ tù", biết không? Thế mà con ngoan cố, chống "nệnh". Anh phải ra "ban" ngay, nhận giấy tờ mà về."
Tăng cố nhịn. Một lúc lâu, y nói:
- "Tui có theo "cách mạng" hồi nào đâu mà nói tui phản? Tui đã nói rồi, tui không về được, tui không có chỗ mà về, vợ tui lấy chồng rồi, chồng bả là "cán bộ" làm lớn. Tui về sao được? Tui về, ông "cán bộ" sợ tui giành vợ lui, ông bỏ tù tui. Vậy tui đừng về là hơn."
-Tăng cố lý luận.
- "Anh "lói" bậy. -"Cán bộ" Thắng nói- Ngày trước, anh có tiền, anh có quyền, anh ép buộc người ta "nấy" anh. Từ chối anh cũng không được. "Lay" nhờ "cách mạng", phụ "lữ" được giải phóng, thế "nà" tốt. Còn "cán bộ" "lào" mà "nấy" vợ anh, bỏ tù anh được. Tù anh "nà" chỉ có "cách mạng" mà thôi."
- "Cán bộ" là "cách mạng", "cách mạng" là "cán bộ" chớ còn ai vô đây. Tui hỏi, "cán bộ" vô đây, nói chuyện với tui, nhắm bộ không phải "cán bộ" là "cách mạng" sao?"
"Cán bộ" Thắng giận dữ:
-"Tôi không muốn anh "lói" nhiều. Yêu cầu anh về. "Lếu" anh không tuân "nệnh", chúng tôi có biện pháp.



Xong, họ đi ra.
Trưa hôm đó, cả trại lại xôn xao về việc Tăng không chịu về. Thôi thì người ta bàn tán lung tung. Tăng ít khi chuyện trò với ai nên chẳng ai biết rõ hoàn cảnh của y để "tham mưu". Có điều, chuyển về trại này thế là gần 4 năm, chẳng bao giờ Tăng được gọi thăm nuôi. Tăng an phận với cái y có: Khoai, sắn, bobo, chủ nhật được chén cơm, lâu lâu gặp "ba ngày lễ lớn", "quốc khánh", Tết ta, có thêm chút thịt "ruồi tha" -ý anh em nói đùa miếng thịt nhỏ quá, ruồi có thể tha mất- Tăng âm thầm "cải thiện": nắm rau muống mọc hoang bên hồ, nắm rau trai dưới suối v.v... mỗi khi có dịp.
Với Tăng, Tăng hy vọng ngày nào đó, Tăng xuống đội "cấp dưỡng". "Giàu nhà kho, no nhà bếp". Ở đó suốt đời cũng chẳng sao.


Chiều hôm đó, khi các đội lại đi lao động, "cán bộ" lại xuống làm việc với Tăng. Tử tế với Tăng thì Tăng tử tế, hung dữ với Tăng thì Tăng hung dữ lại. Mấy ông già quét phòng thấy vậy, cười với nhau:
- "Dân Nam bộ mà, dân Saigon mà. "Chơi" thì "chơi" với.
Chọc thằng chả nổi nóng, chả chưởi thề tùm lum, làm gì được nhau! Không lý không về mà cho vô "cát-xô"?" Tình trạng kéo dài được ba hôm. Tới buổi sáng ngày thứ ba, "cán bộ" Thắng dẫn theo mấy "cán bộ" bảo vệ xuống, ban đầu, ôn tồn với Tăng:
- "Nguyện vọng anh, "ban" đã trình về bộ "Lội vụ 2". Trên không bằng "nòng" cho anh ở "nại". Yêu cầu anh chuẩn bị về. Các anh kia, người ta về hết rồi."


- "Họ về kệ họ, ai có hoàn cảnh nấy, mắc mớ chi tui.
Họ còn vợ còn con, họ không "hy sinh", còn tui, tui không còn ai, tui "hy sinh" được. Tui ở lại đây ngày nào là tui "phục vụ cách mạng" ngày nấy. Tui lao động mà, tui có "ngồi mát ăn bát vàng" đâu?"
- "Nhưng "cách mạng" không cần anh. "Cách mạng" biểu anh về, anh phải về, tức "nà" "phục vụ cách mạng" đấy."
Thượng sĩ Thắng cố nén tức.
- "Cán bộ" nói mắc cười không. Tui về, tui "phục vụ" tui chưa xong, có đâu "phục vụ cách mạng" được?" -Tăng cố cãi.
- "Anh không được ngoan cố. Thượng sĩ Thắng gằn giọng. Anh phải rời khỏi trại ngay."
Nói xong, Thượng sĩ Thắng ra hiệu cho hai "cán bộ bảo vệ". Hai người này đứng hai bên, xóc nách Tăng kéo đi.


Ban đầu Tăng cố trì lại, nhưng hai "cán bộ bảo vệ" xiết cánh tay Tăng đau quá, Tăng nổi sùng, la to:
- "Đ. Mẹ, làm gì dzữ dzậy?! Cứ thủng thẳng để tui đi, tay tui gần muốn lọi ra rồi nè!"
Một "cán bộ bảo vệ" nói gần như nạt Tăng:
- "Chửi thề hả? Vào "cát xô" đấy."
Tăng cũng chẳng sợ:
- "Vào thì vào, tui đâu có ngán. Giờ "cán bộ" muốn tui về hay muốn tui ở lại? "Cán bộ" muốn tống tui đi cho nhanh. Tui biết quá mà!"
Nói rồi, Tăng thờ thẩn đi giữa hai người công an. Thượng sĩ Thắng gọi người giữ phòng lục đồ đạc của Tăng, xách theo.


*


Tăng ôm cái bị bàng đựng quần áo ra chợ Gia Rây, với 30 đồng được trại phát, Tăng lên xe lam ra ngã ba ông Đồn. Tăng đứng tần ngần ở đó, tay cầm hơn 20 đồng còn lại, không biết đi hướng nào. Còn mấy ngày nữa là Tết rồi. Ngày thường còn chưa biết sống đâu, nói chi Tết. Y nhìn dọc theo quốc lộ, ra hướng Bắc, bỗng trong trí y hiện ra lờ mờ tấm ảnh mà y từng được coi nhiều lần trong trại cải tạo: Hình lăng "bác Hồ vĩ đại" có cờ đỏ cắm trên nóc cao.
Tăng thở dài, nhìn về hướng Nam, y thấy xa xa, có trụ sở xã hay gì đó, cũng có cây cờ đỏ đang bay lất phất. Tăng sực nhớ "đất nước thống nhất" đã mấy năm nay rồi, cờ xanh đỏ "mặt trận" ngày y đi "cải tạo" bị vứt vào góc tủ rồi, chỉ còn cờ đỏ sao vàng thôi. Tăng bỗng nghe sau lưng y, phía chân núi Chứa chan, tiếng còi tàu xe lửa hú lên dằng dặc một hồi dài. "Hay mình nằm dài trên đường xe lửa, xe chạy qua cái ào, thế là xong", Tăng nhủ thầm.
"Nhưng biết đâu tới khi tàu sắp chạy qua thì mình lại hốt hoảng nhãy ra khỏi đường rầy". Ý nghĩ đó làm Tăng buồn cười mà y cũng không thể cười được
Worcester, cuối thu Đinh Sửu.
tuệ chương
(Sự kiện là có thật, chi tiết do tác giả hư cấu).
Ghi chú:
(1) Đội ngũ dân biểu: Tiếng gọi đùa những người đạp xe xích lô, người "dân biểu" đạp đi đâu thì đi đó.
(2) "Gô": hộp đựng sữa Guigoz bằng nhôm, không sét, xài bền, "cải tạo" thường dùng để nấu, đựng thức ăn.
(3) Câu "cải tạo" mỉa mai mỗi khi nghe CS nói "khoan hồng"
http://www.vn.net/article.php/20071027221117452

No comments: