Wednesday, March 18, 2009

VŨ ÁNH

=
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=68090&z=134
Mua chuộc và răn đe trong nhà tù cộng sản

Trong số các tác phẩm vừa được tủ sách Tiếng Quê Hương giới thiệu với các độc giả Nam California mới đây, cuốn “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” được chú ý đặc biệt. Ðộc giả thích tác phẩm này không những ở lối viết giản dị, nghĩ gì viết vậy, biểu lộ cái tính ngay thẳng và bộc trực mà còn thích ở sự thành thật của tác giả Vũ Cao QuậnSự thành thật của ông thể hiện ngay ở phần phụ lục nói về 9 ngày bị tạm giam và tình cảnh ông được đối xử tử tế theo đúng như lời ông mô tả. Người như Vũ Cao Quận mà được đối xử tử tế trong suốt thời gian tạm giam là điều có thể không hay cho tác giả vì nó sẽ gây những ngộ nhận, nhưng ông đã không ngần ngại viết ra những điều ấy.

Tôi lại càng không dám so sánh hoàn cảnh tù đày sau này của những nhà trí thức bất đồng chính kiến như Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu hay Nguyễn Thanh Giang với đời tù của chúng tôi, những cựu sĩ quan, cựu công chức và cảnh sát VNCH sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Một cách thẳng thắn thời gian tù đày của quí vị ấy chỉ bằng thời gian chúng tôi gà gật vào mỗi buổi trưa trong suốt thời tù cộng lại. Và quí vị ấy cũng chưa bao giờ phải ăn củ mì với nước muối, thậm chí phải ăn thêm cả cỏ kiểng cho đỡ đói. Bề gì chúng tôi cũng là “ngụy” ở chiến tuyến bên kia, còn các quí vị này dẫu sao cũng đã hy sinh cho đảng Cộng Sản quá nhiều, bây giờ mà chế độ đối xử kiểu như đối xử với chúng tôi hai thập niên trước đây thì còn mặt mũi nào nữa. Cho nên vuốt mặt thì cũng cần nể mũi một chút vậy thôi.

Cho nên, đối với trường hợp tác giả Vũ Cao Quận, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tuyên bố rằng ông thông cảm trường hợp ông Vũ Cao Quận. Ông Thiện nhấn mạnh: “Ông ấy thành thật và đáng kể nhất là tác phẩm của ông ấy. Khi cần khai thác, người Cộng Sản sẵn sàng lấy cái mồi ưu đãi để nhử. Khi xong thì người tù trở về nguyên trạng hoặc tệ hơn”. Nhân chứng về tù đày trong chế độ Cộng Sản ở đây nhiều lắm và ai cũng hiểu rằng chế độ Cộng Sản còn tồn tại được đến ngày nay là lối quản thúc con người một cách tinh vi thâm độc. Không có thứ bạo lực kinh hãi gồm việc kiểm soát bao tử, “bắt oan còn hơn bỏ sót” và nhà tù tàn bạo thì chế độ Cộng Sản đã bị kéo sập từ lâu rồi. Chỉ riêng chế độ đối xử với tù nhân cải tạo, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo và tù nhân lương tâm, người ta đã có thể nhận thấy cái bản chất quỉ quyệt của Cộng Sản. Khi một tù nhân A được gọi đi thẩm cung và được đối xử đặc biệt như không bị đánh đập, tra vấn nhẹ nhàng, được cho viết thư về cho gia đình hay thăm gặp thì chưa hẳn là người tù A đã phản bội những bạn đồng tù khác. Vì những đặc ân dành cho anh chỉ là hình thức vừa mua chuộc vừa răn đe “thành thật khai báo thì được khoan hồng, ngược lại thì bị trừng phạt, nghĩa là không những không còn ưu đãi này mà còn phải sống trong những điều kiện tệ hơn điều kiện người tù A đang sống”. Nhưng không phải người tù nào chấp nhận những ưu đãi ấy mà cuối cùng đã khai báo thành khẩn. Ở đây cũng vẫn là vấn đề con người.

Cứ thử tưởng tượng một người tù bị giam đến 12 năm không được cho thăm gặp gia đình. Nhưng một hôm người tù được gọi ra cho gặp mặt gia đình. Tuy nhiên, trước khi gặp mặt, người tù được dẫn đến cửa nhà thăm nuôi, được nhìn thấy mẹ già mái tóc bạc phơ ngồi nhìn mình với đôi mắt đẫm lệ. Nhưng đâu có dễ dàng mà bước ngay vào ôm mẹ trong vòng tay để được khóc trên vai gầy của mẹ. Người tù chỉ được nhìn thôi sau đó được dẫn vào một căn phòng khác và đối diện với một cán bộ an ninh. Thế rồi người tù phải nghe những lời phủ dụ: “Anh thấy không, 12 năm rồi gia đình anh chờ đợi anh mỏi mắt. Chúng tôi thông cảm điều này vì là con người mà. Nhưng chúng tôi biết rằng anh đứng đằng sau các hoạt động chống phá cách mạng trong trại, nhưng cách mạng bao giờ cũng công minh cần phải chính anh thành khẩn nói ra, ngày về tới gần hay xa là tùy ở anh thôi. Tôi bảo đảm ngày mai anh sẽ có giấy ra trại nếu anh thành khẩn ngay bây giờ. Tôi sẽ nói với mẹ anh ở lại đây để đưa anh về”. Người tù ở trại lâu năm thừa hiểu rằng những lời phủ dụ là một điều kiện để được gặp mẹ già mà thôi. Quyết định “yes” hay “no” trong trường hợp này là một cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ với chính mình nhất là người tù lúc này trông giống như một tù nhân trong các trại tập trung của Do Thái. Nếu “yes” khai báo thì không những được gặp mẹ mà còn được giỏ quà để “bồi dưỡng”. Nói “No” thì sẽ trở lại phòng giam và tiếp tục kiếp sống của người tiền sử. Nhưng trời thương nên cho người tù sự suy nghĩ sáng suốt như thế này: “Mười hai năm không gặp mẹ có khác gì mẹ đã khuất chỉ còn chăng là trong tâm tưởng hay trong những giấc mơ và mẹ cũng coi con đã chết để không còn phải bận bịu trong lúc cả gia đình phải vật lộn vất vả vì miếng ăn ngoài đời. Gặp lại chỉ tạo thêm thương nhớ, dằn vặt. Giỏ quà có ăn dè sẻn thì cũng chỉ 2 tháng là hết, thân thể mình cũng chẳng thêm chút thịt nào. Sau đó lại là những cơn chịu đựng khó khăn vì ăn quen mà nhịn không quen. Dù trại có ‘nhân đạo’ cho gặp mặt một tháng một lần, mẹ già cũng không đủ tiền để lên gặp. Vậy thì tại sao lại nhúng đôi tay vào chàm một cách ngây dại như vậy. Cho nên nói ‘không’ là hợp tình hợp lý nhất. Nếu mẹ già được nghe mình trình bày chắc cũng đồng ý và tha cho tội bất hiếu.

Suy nghĩ như vậy, người tù an tâm viết xong hàng chữ “Ðộc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc, và phần lý lịch trích ngang. Rồi tiếp theo là một hàng chữ quan trọng, viết thật nắn nót: “Tôi yên tâm cải tạo và không có gì để khai báo”. Một giờ sau người cán bộ an ninh dẫn người tù ra khỏi căn phòng, đi qua cửa nhà thăm nuôi. Mẹ già đứng tựa cửa và vẫn nhạt nhòa nước mắt khi thấy con mình bị dẫn trở lại trại giam... Người không từng bị tù đày Cộng Sản, người không từng bị ngược đãi trong tù đày Cộng Sản, người chưa từng phải đối phó với những mưu mô nhúng chàm của đám công an trại giam, người đã đi tù Cộng Sản nhưng chưa bao giờ bị bọn công an Cộng Sản dùng tình cảm gia đình ra làm áp lực để buộc mình khai bậy, nhận bậy những điều mình không làm... có thể sẽ bày tỏ ý kiến như thế này: “Chắc là ông cường điệu sao đó, chứ ngay đến Vũ Cao Quận, Nguyễn Thanh Giang chửi chế độ, chửi bác như hát hay còn được đối xử như thế, huống chi...” Tôi thông cảm nếu có người nào nói như vậy, bởi vì khi chúng tôi bị đẩy vào trong trại giam A-20, một trại có cái lối giết người dần mòn tinh vi nhất thế giới này, vẫn có một số nhỏ tù nhân không hiểu rõ đói là như thế nào vì họ được gặp mặt gia đình 24 tiếng và gia đình còn đủ tiền bạc để mang cho họ mỗi lần năm ba giỏ thực phẩm khô và những loại thực phẩm đầy đủ protein. Họ là những ai, thì xin thưa họ gồm khoảng năm bảy ông “xì thẩu” (bị bắt và bị đưa ra tòa về tội tư sản mại bản), mấy ông tù làm trưởng ban thi đua, mấy ông tù làm ở nhà văn hóa, vài ông trong số anh em tù được sung vào đội nấu bếp, vài ông tù làm đội trưởng thuộc loại hung thần. Nhân chứng cho những điều tôi vừa kể lại hiện đang sống tại thành phố Garden Grove.

Những người không vượt thắng được dù có đem lại một vài tác hại cho những người khác vì những lời khai láo lếu của họ, nhưng anh em trong trại vẫn thông cảm. Họ không cô lập, không khinh miệt những người này mà chỉ có một yêu cầu: ngồi yên, không nói gì nữa dù là chống hay bênh.

Chống hay bất đồng chính kiến với cường quyền Cộng Sản ở Việt Nam hiện nay là việc làm tự nguyện và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do thức tỉnh. Vì chỉ có thức tỉnh thì những người như Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Vũ Cao Quận, Phương Nam Ðỗ Nam Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân... mới có thể viết ra được những cáo trạng nghiêm trọng với chế độ Cộng Sản như vậy. Họ can đảm và chúng ta phải trân trọng họ. Nhưng trên đường đi, nếu có ai chợt nhận ra rằng mình không đủ sức để chịu những đòn hành hạ của Cộng Sản, nhất là đòn o ép cả gia đình bố mẹ vợ con anh em để làm áp lực với người bị bắt, thì cũng xin đừng chê trách họ. Chỉ yêu cầu họ một điều: hãy ngồi yên đừng viết gì nữa, dù viết phản lại những điều mình đã viết, viết nước đôi, viết bàn ra, viết những bài làm thối chí những người khác và không trung thực với chính mình.

Chế độ Cộng Sản có thừa những đòn thâm độc và sẵn sàng chế biến những lời khai của một ai đó thêm mắm thêm muối vào để hạ nhục hay làm mất uy tín của những đối thủ cứng đầu. Họ muốn phía sau lưng của những nhà bất đồng chính kiến là một gia đình tan nát. Trần Khải Thanh Thủy đã cảnh giác dư luận trong và ngoài nước điều đó. Chúng không ngần ngại gì đồn áp lực vào cả vợ con, bố mẹ anh em Phương Nam Ðỗ Nam Hải để buộc anh phải bỏ cuộc.

Thế nhưng, có một điểm mà chế độ Cộng Sản không tính tới: dù vào những giờ cuối cùng những nhà bất đồng chính kiến có vì tình cảm gia đình mà thúc thủ, thì trước đó các tác phẩm, các lời phát biểu, các tài liệu do họ ghi lại đã được loan truyền khắp thế giới. Những đóng góp của những nhà bất đồng chính kiến trong nước đối với cuộc vận động tự do dân chủ và nhân quyền vẫn là những điều đáng kể nhất. Những trò dùng bạo lực và mưu mô bẩn thỉu để hạ thấp uy tín chính trị của những nhà bất đồng chính kiến mà Hà Nội đang chủ trương không có khả năng xóa nhòa những tác phẩm mà họ đã viết và đã được phổ biến trên toàn thế giới.

Vũ Ánh

No comments: